Chap 2 : Điểm Bất Thường…
Tư nhíu mày, cố nhìn về phía đám đông thêm 1 lần nữa, xong tặc lưỡi đáp :
– Con chỉ thấy lạ là sao mụ chủ hàng bánh mỳ cau có khó chịu, chửi khách như hát thế kia mà bọn họ vẫn cố mua cho bằng được. Vào con ăn mà bị chửi thế thì ngon bằng giời cũng không nuốt nổi.
Thầy Lương khẽ thở dài :
– Con quả nhiên là người đơn giản, ta không nói đến việc ngon hay không ngon, cũng không để ý đến chuyện khách xếp hàng mua chen lấn. Điều bất thường mà ta muốn nói tới chính là toàn bộ những người đang đứng chờ mua bánh đều là nữ giới.
Lúc này Tư mới ngớ người ra, thầy Lương nói không sai, hai hàng người đang đứng nối đuôi nhau trước sạp bán bánh mỳ đúng toàn là nữ.
– Thầy hay thật đấy, thế mà con không nhận ra. Có khi nào chủ quán chỉ bán cho nữ mà không bán cho nam không hả thầy ?
Thầy Lương lắc đầu :
– Con quên mất anh chàng bán cá ở đầu chợ khi nãy nói anh ta cũng từng mua bánh mỳ ở đây và ăn không thấy ngon rồi à ?
Tư gật gù :
– Vầng, đúng rồi….Thế thì chắc hắn ta bị ghét nên chủ quán bán cho bánh đểu hoặc cho cái gì đó vào để hắn ăn mất ngon. Chứ người mua đông thế kia, bảo không ngon cũng lạ.
Thầy Lương khẽ tiếp :
– Hừm, không đơn giản như vậy đâu. Con bé Diệp con gái nhà Thìn dạo gần đây rất thích ăn bánh mỳ mua ở chỗ này. Ngày hôm qua trong lúc nói chuyện với vợ chồng nhà Thìn, khi ta nói con gái họ sức khoẻ suy yếu, thần sắc nhợt nhạt, có dấu hiệu bị kiệt sức. Ta có hỏi thêm về việc ăn uống của con bé, vợ chồng nhà Thìn đều quả quyết mới 2 ngày trước con bé vẫn bình thường, ăn ngủ đều đặn, không có ăn gì linh tinh. Họ bảo con bé Diệp rất thích ăn bánh mỳ pate mua ở chợ, ngày nào cũng ăn. Phải ăn thông gần tháng nay rồi.
Tư nói :
– Cái đó thì con cũng biết, nhưng mà việc 1 người thích 1 món ăn để ăn cả tuần, cả tháng cũng bình thường thôi mà thầy ? Hồi 15 tuổi con thích ăn nhất là cơm trộn muối vừng, cả tháng con chỉ ăn cơm với muối vừng chan nước luộc rau muống không thèm thịt cá gì cả. Đợt rồi ở nhà con, thầy cũng được ăn thử muối vừng mẹ con làm rồi đấy thôi, thầy cũng khen ngon còn gì.
Thầy Lương mỉm cười:
– Con nói không sai, tuy nhiên điều kỳ lạ ở chỗ khi con bé Diệp mua bánh mỳ về cho cả bố mẹ thì vợ chồng nhà Thìn đều có chung 1 nhận xét giống anh chàng bán cá khi nãy, đó chính là : Bánh mỳ ở đây ăn không hề ngon, thậm chí còn có mùi lạ.
Bất giác thầy Lương kéo Tư nấp vào 1 góc khuất khi thầy nhác thấy người phụ nữ tên Tỵ vừa đưa mắt hướng nhìn về phía 2 thầy trò.
– Sao…sao vậy thầy ? - Tư luống cuống hỏi.
Thầy Lương đáp :
– Giờ thì ta có thể chắc chắn người phụ nữ bán bánh mỳ kia có điểm dị thường. Tư, ta có việc này muốn nhờ con.
– Dạ, có gì thầy cứ nói.
Thầy Lương tiếp :
– Bây giờ con đến đó mua bánh, mua mỗi loại 1 chiếc. Nhớ chỉ mua thôi, không được ăn. Mua xong đem quay lại đây. Không được nóng nảy sẽ hỏng việc.
Tư có chút ái ngại :
– Con đi mua cũng được thôi…..Nhưng mà nhìn cái cách mụ ta bán hàng chửi người thế kia lộn ruột lắm.
Thầy Lương căn dặn :
– Thế bây giờ con có muốn chữa bệnh cho cái Diệp không ? Ta nói cho con biết, bệnh tình của con bé Diệp chính là bắt nguồn từ hàng bánh mỳ này. Chỉ cần con mua được bánh, ta nhất định có cách giúp con bé khoẻ lại.
– Có thật không hả thầy ? Chỉ cần mua được bánh là chữa được bệnh ? - Tư hỏi lại thầy Lương.
Thầy Lương gật đầu :
– Ta làm thầy chẳng lẽ lại đi lừa con. Thôi, mau đi xếp hàng kẻo không mua được.
Tư vâng dạ, đoạn chạy tới xếp hàng chờ mua bánh. Trong số những khách đứng đợi chỉ có duy nhất Tư là nam giới. Có hơi ngượng ngùng nhưng nghĩ đến Diệp, con gái ông Thìn, Tư tự nhủ phải mua cho bằng được bánh mỳ, bánh bao của mụ chủ hàng tên Tỵ.
Thực ra Tư lo lắng, quan tâm cho Diệp không phải tình cảm yêu đương nhăng nhít. Bởi Tư với thầy Lương mới vừa đến nhà ông Thìn 2 ngày trước. Số là sau khi thầy Lương bốc mộ cho cụ Đại là ông nội Tư, công việc diễn ra suôn sẻ, làm đến đâu gọn gàng đến đấy, cốt bốc lên được thầy Lương sắp xếp một cách hoàn hảo, không có điểm gì để chê. Tiếng tăm ông thầy gốc Trung Quốc hành nghề bốc mộ vốn đã nổi danh trước đó thì nay lại càng được bà con chòm xóm quan tâm, trầm trồ, mến mộ hơn. Không ít nhà nhân cơ hội này tìm tới ngỏ lời nhờ cậy thầy Lương xem giúp mồ mả gia tiên, rồi thì xem cả phong thuỷ, hẹn ngày bốc mộ.
Tính ra, bốc cho cụ Đại xong, trong vòng 1 tuần, thầy Lương còn bốc thêm cho 4 nhà nữa. Chẳng hiểu sao, trước kia Tư không bao giờ ngó nghiêng hay quan tâm đến công việc cúng bái. Nhưng hôm cả nhà theo chân thầy Lương ra nghĩa địa để chuẩn bị cải táng cho cụ Đại thì Tư cũng đi theo, mặc dù mấy hôm trước Tư lần lượt, còn bị bố chửi 1 trận thậm tệ bởi thân là cháu nội nhưng không quan tâm gì đến chuyện gia đình.
Nhìn thầy Lương cẩn thận, tỉ mỉ nhặt từng khúc xương nhỏ lau rửa cẩn thận, khéo léo xếp lại vào trong tiểu quách, chẳng hiểu sao trong thâm tâm Tư có cảm giác an lòng khó tả. Lắm người trong nhà sợ mùi hôi thối, lại sợ cả cái cảnh rửa xương, lau cốt không dám nhìn, không dám lại gần. Có mình Tư là ngồi cạnh thầy Lương chăm chú xem từ đầu đến cuối. Thậm chí Tư còn phụ thầy Lương khi thầy nhờ làm cái này, lấy cái nọ.
Mấy hôm sau, Tư còn xin đi theo thầy Lương để xem thầy bốc mộ cho mấy nhà khác. Bố mẹ Tư lời ra tiếng vào, nào là thằng này nó điên rồi, việc nhà thì nhác, việc chú bác thì siêng. Nhưng Tư vẫn nhất quyết phải đi theo thầy xem bằng được.
Không ngôi mộ nào giống nhau, không cái áo quan nào lúc đào lên là còn nguyên vẹn. Cốt người chết cũng có nhiều điểm khác biệt, người thì xương trắng, có người xương lại ngả màu vàng. Công việc toàn phải làm vào lúc trời chuyển đêm, vất vả là thế nhưng càng theo thầy Lương xem thầy Lương làm thì Tư lại càng thấy mê. Một thanh niên đã ngoài 20 tuổi, bao năm qua chẳng chịu làm ăn gì, cứ lông ba lông bông. Xin đi đâu làm cũng chỉ dăm bữa, nửa tháng là chán, là tự nghỉ. Ấy thế mà Tư lại tỉ mẩn, cẩn trọng, nâng niu từng khúc xương, đoạn cốt sau khi rửa qua nước vang rồi lau lại bằng tiền vàng, khăn sạch.
Chẳng ai có thể ngờ, sau 1 tuần gặp thầy Lương, Tư đã đưa ra quyết định mà đến cả bố mẹ Tư khi nghe con mình mở lời cũng không thể tin nổi. Tư muốn đi theo thầy Lương học nghề bốc mộ. Được thầy Lương dùng lý lẽ phân tích thiệt hơn, lại thấy con mình lần đầu tiên trong cuộc đời có quyết tâm cao độ đến vậy, bố mẹ Tư đồng ý. u cũng là cái duyên, cái số mà ông trời sắp đặt, cả thầy và trò cứ như thể người thân trong gia đình. Hiểu tấm lòng nhân hậu của thầy Lương, bố mẹ Tư cũng yên tâm khi con trai mình được đi theo thầy học nghệ.
Ở lại thêm ít hôm thì nhà ông Thìn từ xã Duy Nhất chẳng biết được ai mách nước, tìm đến nhà Tư mong gặp thầy Lương để mời thầy về xem giúp cho mộ của mẹ ông Thìn liệu trong năm nay có bốc được không ? Nhà ông Thìn cũng thuộc hàng khá giả, có của ăn của để, ông Thìn lại tín, mẹ ông mất đã hơn 3 năm, ông muốn sang cát cho bà nên đã đi hỏi 3 thầy. Trong số đó 2 thầy bảo bốc được, 1 thầy lại nói chưa thể bốc, ít nhất cũng phải 5 năm mới được đào lên. Tiếng lành đồn xa, hàng xóm nhà ông Thìn hoá ra lại là người quen của 1 gia đình mà thầy Lương vừa giúp cải táng tuần trước.
Khi về xã, người này đem chuyện kể với ông Thìn. Thế là ông Thìn vội tìm đến ngay. May sao thầy Lương vẫn còn ở lại nhà Tư. Và thế là, hành trình đầu tiên của Tư đi cùng thầy Lương chính là về xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tới nhà ông Thìn để xem dông đất, giúp cho gia chủ thu xếp thời gian sang cát cho thuận lợi.
Hai ngày trước, lúc mới đến nhà ông Thìn trời mưa to. Quần áo Tư ướt hết, đồ đem theo cũng dính nước mưa không mặc được. Trời lạnh, vừa đói, vừa rét, lúc Tư đang ngồi ngoài hiên nhà vắt khô quần áo, tiếng bụng sôi ùng ục thì Tư giật mình vì có ai đó vừa lấy ngón tay gõ gõ vào vai Tư mấy cái.
Quay đầu nhìn, Tư ngây người mắt nhìn chăm chăm khi vừa gõ gõ tay vào vai Tư là 1 cô gái rất xinh xắn, dễ thuơng. Đó chính là Diệp, con gái của ông Thìn. Diệp ngượng ngùng đưa cho Tư cái bánh chưng, miệng khẽ nói :
– Anh đói lắm phải không ? Đợi cơm chắc còn lâu, anh ăn tạm cái này cho đỡ đói. Em nghe mẹ bảo anh cùng thầy đi đường xa tới còn chưa ăn gì….
Tư ngơ ngác, môi mấp máy chưa nói được thành lời thì có tiếng vợ ông Thìn gọi con gái từ dưới nhà ngang :
– Diệp ơi, phụ mẹ 1 tay nhặt rau còn nấu cơm đãi khách nào…
– Vâng ạ, con xuống ngay đây. - Diệp đáp lại, đoạn chạy đi mất.
Tư nhìn theo, xong nhìn cái bánh chưng trong lòng bàn tay khẽ tủm tỉm cười…….
– Này…..này thằng kia…..Mẹ thằng đần, cứ đứng đó cười như thằng dở…..Ê thằng kia…..Mày không nghe thấy tao gọi à ?
Tư giật mình khi dòng suy nghĩ bị cắt ngang bởi cái tiếng the thé, chua lè của mụ chủ hàng bánh mỳ…