Sau ngày hôm đó, tổ mẫu lại bắt đầu lo liệu chuyện hôn sự cho ta.
Ta không biết bà đã gặp Lâm Kinh Vũ ở đâu, biết được chuyện hắn muốn về quê cưới cô nương câm, liền quay sang chất vấn ta.
Ta vội vàng quỳ xuống.
Chỉ cần ta quỳ đủ nhanh, bà sẽ không kịp nổi giận.
"Người đừng làm khó Lâm công tử nữa, huynh ấy đã có ý trung nhân rồi, tổ mẫu, chúng ta tìm người khác được không ạ?"
Lần này, tổ mẫu chỉ thở dài hồi lâu rồi thôi, bà đau đầu suy nghĩ, quyết định tìm một thiếu niên tốt khác từ những gia đình môn đăng hộ đối.
Đúng lúc này, ta bất ngờ nhận được một bức thư gửi từ phương Bắc.
Trên phong thư đề tên Ngô Tiểu Giang.
Trong nháy mắt, ta hiểu ra, đây là Tiêu Bạch Ngôn, vì sợ thư bị người ta chặn mất nên mới dùng tên giả.
Ta mở thư ra, bên trong rơi ra vài nhánh hoa cỏ lạ mắt mà ta chưa từng thấy bao giờ, còn thoang thoảng hương thơm.
Trong thư, Tiêu Bạch Ngôn miêu tả tỉ mỉ về Yên Môn, người dân ở đó ăn gì, mặc gì, ngày thường thích làm những gì.
Cuối thư, hắn còn chúc ta tìm được một lang quân như ý, ngày sau thành thân nhớ gửi cho hắn một vò rượu mừng.
Ta không ngờ hắn thật sự gửi thư cho ta, ôm lấy xấp giấy mà khóc nức nở, sau đó vội vàng viết thư hồi âm, dặn dò hắn thường xuyên viết thư cho ta, rồi nhờ người lén lút gửi đi.
Hắn nhận được thư, về sau, quả nhiên thường xuyên gửi thư tới.
Hắn viết cho ta tất cả mọi chuyện, từ những việc nhỏ nhặt như hôm nay ăn gì, gặp ai, không sót một chuyện gì.
Những bức thư ấy khiến cuộc sống tẻ nhạt nơi kinh thành của ta bỗng có thêm niềm vui và sự mong chờ.
Nhưng tháng Mười năm ấy, cuộc sống yên bình đã bị phá vỡ.
Hung nô bất ngờ tấn công Yên Môn.
Ta không biết rõ tình hình chiến sự, chỉ nghe nói vô số người đã thương vong chỉ trong một đêm.
Hoàng thượng quyết định bỏ Yên Môn, dời đô về phía Nam.
Điều này đồng nghĩa với việc Yên Môn sẽ bị bỏ rơi, rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan, phía trước có quân địch, phía sau không có viện binh.
Ta như phát điên chạy về nhà, muốn hỏi cha xem có phải sự thật hay không.
Về đến nhà, ta thấy mọi người đang thu dọn đồ đạc.
Tổ mẫu kéo ta lại, trách mắng: "Con nhóc này! Con làm tổ mẫu lo c.h.ế.t mất, con chạy đi đâu vậy? Mau thu dọn đồ đạc, chúng ta phải rời khỏi đây trước khi mặt trời lặn."
"Tổ mẫu, triều đình thật sự muốn dời đô về phía Nam sao?"
Tổ mẫu thở dài.
Triều đình đã hưởng thái bình mấy chục năm rồi, lâu lắm không trải qua binh đao, người biết cầm quân đánh giặc nay chẳng còn mấy ai, lòng người hoang mang, chẳng ai còn giữ được chí khí.
Phương Nam núi non hiểm trở, dễ thủ khó công, muốn bảo toàn sinh linh, kế sách duy nhất lúc này là dời đô về phương Nam.
Ta sốt ruột: "Vậy Yên Môn thì sao? Dân chúng Yên Môn thì phải làm thế nào?"
Bà nội nghe vậy, mắt ngấn lệ, không nói nên lời.
Cha ta thở dài: "Họ vì nước quên mình, hy sinh nơi sa trường, đó là vinh quang chí cao, muôn đời muôn kiếp sẽ được người đời ca tụng."
"Ai cần cái thứ vinh quang hão huyền ấy chứ! Con muốn họ được sống!"
Ta vừa khóc vừa gào thét, một lòng can đảm chưa từng có dâng trào trong lồng ngực, ta lao ra ngoài.
"A Vô! Con định đi đâu? Chẳng lẽ con muốn đi tìm tên tội thần kia sao? A Vô!"
Tổ mẫu vội vàng đuổi theo ta, suýt chút nữa thì ngã.
Ta quay đầu nhìn bà, vừa khóc vừa dập đầu: "Tổ mẫu, xin người tha thứ cho A Vô bất hiếu, lần này con lại không nghe lời người rồi."
Nói đoạn, ta đứng dậy định bỏ chạy, nhưng bị hộ vệ ngăn lại.
Ta không chút do dự, rút đao kề vào cổ họng mình: "Hễ ai dám tiến lên một bước, ta sẽ tự vẫn ngay tại đây!"
Tổ mẫu được cha ta dìu lấy, khóc đến mức gần như ngất đi.
"A Vô, bỏ đao xuống! Con đây là muốn mạng của tổ mẫu sao!"
"Xin lỗi... Xin lỗi..."
Ta nghẹn ngào. Hắn vì ta mà trở về Yên Môn, nếu ta cứ thế mà đi về phương Nam, cả đời này sẽ chẳng thể nào sống yên ổn.
Không ai dám tiến lên nữa, ta nhân cơ hội đó cướp lấy một con ngựa, phi thẳng về phía Yên Môn.
Ta ngày đêm rong ruổi, dọc đường phải thay đổi mấy con ngựa, cuối cùng mười ngày sau cũng đến được Yên Môn.
Nhưng khi ngựa vừa dừng lại, ta liền ngã quỵ xuống đất, thở dốc nhọc nhằn, tưởng chừng như sắp chết.
Một tên lính nhỏ tiến đến xem xét, nhưng không dám cho ta vào thành. Ta chỉ còn cách bám lấy ống quần hắn mà van xin: "Xin ngươi hãy vào bẩm báo với tướng quân Tiêu Bạch Ngôn, nói Giang Vô cầu kiến."
Tên lính vội vàng chạy vào trong.
Chừng một nén nhang sau, cửa thành mở toang, một vị tướng quân với đầy mùi m.á.u tanh trên người lao về phía ta.
"Giang Vô!"