Tiêu Tần Đại Vận Hà 2
Hắn chỉ nhìn Trình Loan Loan một cái rồi dời ánh mắt đi, dáng vẻ khiêm tốn lại lễ độ: “Ngụy đại nhân, tiến hành nghi thức đi.”
Ngụy Huyện lệnh lập tức tiến lên, lớn tiếng nói: “Tiếp theo, chúng ta mời Tần vương và Tuệ cung nhân cùng bước lên tiến hành nghi thức đầu tiên để bắt đầu vận hành Đại Vận Hà này, dỡ vải đỏ.”
Ngón tay của Trình Loan Loan hơi ngừng lại.
Ban đầu quyết định là nàng và Tri phủ đại nhân cùng bóc vải đỏ, bây giờ lại biến thành Tần vương.
Từ đó có thể thấy Tần vương này đột nhiên đến đây để thọc gậy bánh xe, cũng không biết là để hưởng chút công lao hay là có mục đích gì khác.
Thôi, quân đến tướng chặn, nước đến đất ngăn vậy.
Nàng phủi phủi tro bụi không tồn tại trên tay áo, bước đến chính giữa.
Tần vương đứng ở bên cạnh chờ nàng, sau đó làm ra một động tác lịch thiệp lễ độ: “Tuệ Cung nhân, mời.”
Trình Loan Loan nở một nụ cười hờ hững, gật đầu với hắn rồi đứng bên trái Ngụy Huyện lệnh.
Tần vương cũng không để ý, đứng ở bên phải.
Chính giữa là một tấm bia đá cực lớn, được che lại bằng vải đỏ. Thứ này trước kia Trình Loan Loan chưa từng nhìn thấy, cũng không biết đã chuyển tới từ lúc nào, nhưng nàng quá bận rộn, không để ý đến việc này cũng là bình thường.
Khi Ngụy Huyện lệnh tuyên bố giờ lành đã đến, Trình Loan Loan và Tần vương cùng nhau dỡ tấm vải đỏ trên tấm bia xuống.
Vải đỏ được dỡ ra, để lộ một tảng đá hướng lên trời rất lớn, tảng đá có màu vàng sáng tự nhiên, đứng sừng sững bên cạnh đường sông, phía trên có khắc năm chữ: “Tiêu Tần Đại Vận Hà”.
Trình Loan Loan: “….”
Đây có lẽ là lần đầu tiên nàng không biết nói gì.
Thời đại này đặt tên cho kênh đào đều chọn một chữ trong tên ban đầu của hai mảnh đất đầu cuối, chẳng hạn như kênh đào từ Dương Châu đi Kinh thành tên là Kinh Dương Đại Vận Hà, con đường từ Ký Châu đi Kinh thành tên là Đại lộ Kinh Ký…. Tên kênh đào mà trấn Đại Hà bọn họ xây dựng, cho dù không được chọn một chữ từ trấn Đại Hà thì cũng nên dùng chữ Hồ trong Hồ Châu, rồi ghép với Dương Châu, tên là Hồ Dương hoặc là Dương Hồ Đại Hà Vận cũng được….
Kết quả lại bị gọi là Tiêu Tần.
Tiêu là họ hoàng thất hiện nay còn Tần là phong hào của Tần Vương.
Tiêu Tần chính là chỉ bản thân Tần vương.
Xin hỏi ngoài việc tạm giữ một chức vụ gọi là Đại tư không thì Tần vương này có nửa điểm quan hệ gì với kênh đào này sao?
Sự đóng góp của người này đối với Đại Vận Hà còn chưa bằng bất kỳ một thôn dân nào của trấn Đại Hà.
Hắn lấy đâu ra mặt mũi là lấy một cái tên như vậy cho kênh đào.
Trong lòng trình Loan Loan điên cuồng phun trào nhưng trên mặt không biểu hiện chút khác lạ nào.
Nàng mang theo nụ cười trên mặt, vỗ tay cùng tất cả nhóm dân chúng có mặt ở đây.
Cùng lúc đó trên sông Đại Hà xuất hiện rất nhiều thương thuyền xa hoa, trăm tàu cùng tồn tại, khí thế hào hùng, bầu không khí ở nơi đây cực kỳ thân thiện.
“Hạ quan đã bố trí yến hội ở Giang Nguyệt tửu lâu, mời Vương gia, Tuệ Cung nhân và các vị đại nhân dời bước đến tham dự.” Ngụy Huyện lệnh đưa tay làm động tác mời, Triệu Huyện thừa dẫn đường ở phía trước.
Trình Loan Loan cũng không muốn dùng cơm cùng một bàn với Tần vương, nàng dùng danh nghĩa tiếp đãi nữ quyến, ngồi cùng Tri phủ phu nhân ở một nhã gian khác, ngoài ra còn có Lâm phu nhân, Trịnh phu nhân và các vị gia quyến quan lại khác.
Đoàn người ngồi quây quần quanh bàn, nói mấy chuyện về kênh đào, rồi dần dần nói về những chuyện khác.
“Đây có thể là lần cuối cùng ta dùng cơm với các vị.” Trịnh phu nhân nở nụ cười, vuốt lại mấy sợi tóc lòa xòa bên thái dương: “Năm sau ta phải đến Kinh thành chuẩn bị tổ chức hôn sự cho nhi tử ta.”
Tri phủ đại nhân tiếp lời: “Trịnh thiếu gia sắp thành hôn rồi sao, sao từ trước đến nay không nghe thấy Trịnh phụ nhân nhắc đến?”
“Trước kia vẫn chưa quyết định cho nên cũng không tiết lộ. Hôm qua Phong Nhi viết thư về nói đã trao đổi ngày sinh tháng đẻ, đầu xuân năm sau sẽ thành hôn.” Vẻ mặt Trịnh phu nhân tràn đầy ý mừng: “Người con ta lấy chính là thứ nữ của quan viên tứ phẩm ở Kinh thành, đây xem như là Trịnh gia chúng ta trèo cao.”
Không ít người ở phòng bao lộ ra ánh mắt hâm mộ. Mọi người ở trong vòng này đều biết chuyện của Trịnh Vọng Phong. Ba năm trước lấy một tiểu thiếp, còn có một thứ trưởng tử. Thật không ngờ người như vậy lại được quan lớn ở Kinh thành coi trọng. Có nhạc phụ dẫn dắt, sau này Trịnh gia sẽ không vừa đâu.