[Ngoại truyện: Nữ Hầu tước】
Lão phu nhân Giang gia cả đời làm hai việc lớn khiến người đời phải kinh ngạc.
Việc thứ nhất, là vào ngày đại hôn với thế tử Quốc Công phủ, bà đã xé nát hỉ phục, nhảy sông bỏ trốn.
Việc thứ hai, là gả cho vị tướng quân, rồi sau khi tướng quân tử trận, bà tiếp quản mười vạn đại quân, đánh đuổi Man tộc ra xa ngàn dặm.
Bà một mình xoay chuyển càn khôn vào lúc nguy cấp, bảo vệ cho muôn dân trăm họ.
Sau đó, bà lại cứu trợ thiên tai, dẹp yên loạn lạc, lập nên vô số chiến công hiển hách.
Năm ba mươi tuổi, bà được phong làm Nữ Hầu tước, một danh hiệu chưa từng có trong lịch sử, được ban thưởng cây trượng đầu mãng có thể dùng để dạy dỗ hoàng đế, trách phạt quần thần.
Những thứ có thể có được trong đời, bà đều đã có đủ cả, không còn mong cầu gì thêm nữa, nửa đời còn lại, mục đích sống duy nhất của bà, chính là gìn giữ thứ mà tướng quân đã giao phó cho bà: Giang gia.
Lão phu nhân Giang gia cả đời oai phong lẫm liệt, bản thân bà, cũng là người có tính cách cứng rắn như sắt thép.
Hai chữ "nhu mì", sau khi tướng quân qua đời, dường như đã không còn liên quan gì đến bà nữa.
Cho dù đối với con trai ruột của mình, bà cũng chưa từng tỏ ra dịu dàng.
Cho đến khi cháu gáI nhỏ ra đời.
Đứa trẻ này, vừa sinh ra đã mất mẹ, lão phu nhân Giang gia đành phải giữ con bé bên cạnh, tự mình nuôi nấng.
Có lẽ là người già rồi, nên tâm cũng trở nên mềm yếu hơn.
Bà ôm lấy nàng, trong lòng vô cùng xúc động.
Đứa bé nhỏ xinh như chiếc bánh bột trắng, vừa mới sinh ra đã biết cười, lão phu nhân Giang gia nhìn mãi, nhìn thế nào cũng không thấy đủ.
Con trẻ ngày một lớn lên, biết đi, biết nói, nghịch ngợm vô cùng, lúc nào cũng bày trò quậy phá.
Bà không nỡ lòng nào trách phạt, nhưng nếu không dạy dỗ, lại sợ con bé lớn lên sẽ hư hỏng, đành phải nhắm mắt lại, dùng thước đánh vào lòng bàn tay.
Mỗi lần đánh xong, bà lại đau lòng như đứt từng khúc ruột, nhưng không muốn để lộ ra ngoài, chỉ đành quay về phòng, hung hăng đánh lại vào tay mình.
Lão phu nhân Giang gia thích nhất là nghe cháu gái ngâm thơ, giọng nói trẻ con non nớt, ngọng nghịu đọc: "Nhân thị trư, tính bản thiện."
Cũng không biết cháu gáI nhỏ có phải cố ý hay không, mỗi lần đều khiến bà vừa tức vừa buồn cười.
Bà yêu thương nàng như chính mạng sống của mình, thề rằng phải dạy dỗ nàng nên người, để nàng được sống trong phú quý bình an, cả đời chẳng phải lo nghĩ.
Tiểu chất nữ cũng coi như là ngoan ngoãn nghe lời.
Cho đến năm nàng mười ba tuổi, sau khi gặp Thái tử một lần trong cung, con người nàng bỗng thay đổi.
Lão phu nhân Giang gia vốn không ưa người hoàng gia, bởi bọn họ đều là những kẻ bạc tình, cả đời có quá nhiều nữ nhân vây quanh, bà sao nỡ để cháu gái của mình phải chịu ấm ức.
Bà đã đánh nàng, sau một thời gian dài không hề động đến roi vọt.
Nhưng dù có đánh đập thế nào, cũng chẳng thể ngăn cản được trái tim thiếu nữ rung động.
Trái lại, nàng càng trở nên phản nghịch hơn.
Về sau, con trai bà cưới vợ kế vào cửa.
Cháu gáI nhỏ càng ngày càng trở nên ngang bướng.
Rồi một ngày kia, tiểu chất nữ nhất quyết đòi đến xem Thái tử đánh mã cầu, không may gặp phải thích khách, lại còn cứu được Thái tử đang bị trọng thương.
Hoàng thượng ban hôn.
Bà không còn cách nào xoay chuyển tình thế, chỉ có thể trơ mắt nhìn cháu gái nhỏ bước vào vực sâu.
Bà tức giận đến mức mất hết lý trí, đêm đó, bà phạt cháu gái nhỏ quỳ ở từ đường suốt một đêm.
Sau đó, bà không còn gặp lại nàng nữa.
Cho đến khi nàng gả vào Đông cung, bặt vô âm tín.
Bà tự nhủ lòng mình rằng, con cháu có phúc phần của con cháu, không cần phải quản nàng ấy nữa.
Nhưng làm sao bà có thể bỏ mặc được, nên vẫn luôn sai người đến Đông cung, dò hỏi xem cháu gái nhỏ sống có tốt không.
Nghe nói, Thái tử đối xử với nàng rất lạnh nhạt, nghe nói, ngày nào nàng cũng khóc.
Bà đau lòng vô cùng, thế nhưng, lại cố chấp giữ gìn thể diện, không chịu đi tìm nàng.
Bà chỉ nghĩ, cứ để nàng chịu khổ sở, rồi tự khắc nàng sẽ hối hận, sẽ quay trở về bên cạnh bà.
Nhưng bà đã không đợi được đến ngày đó.
Man tộc xâm lược, Yên Môn thất thủ, kinh thành cũng thất thủ.
Bà nghe nói Thái tử bỏ rơi Thái tử phi, mang theo trắc phi bỏ trốn, lòng nóng như lửa đốt, vội vã thúc ngựa đi tìm nàng.
Nhưng khi sắp đến nơi, bà lại tận mắt chứng kiến cảnh nàng gieo mình xuống từ tường thành
Giây phút ấy, bà gào khóc không ngừng, nỗi đau đớn như thể người vừa c.h.ế.t đi là chính mình vậy.
Bà lao đến ôm lấy nàng.
Bất chợt nhìn thấy Thái tử.
Không biết hắn là hối hận, hay là vì lý do gì, mà lại quay trở lại.
Bà tức giận mắng hắn là kẻ nhát gan, hỏi: "Chẳng phải ngươi đã bỏ rơi nó, chạy trốn rồi sao? Quay lại đây làm gì nữa!"
Thái tử khóc lóc ngã quỵ xuống đất.
"Ta không hề muốn bỏ rơi nàng, ta... ta đến muộn rồi..."
Bà không muốn nghe hắn biện minh, giáng cho hắn một cái tát.
Thái tử ngã sấp xuống đất, mãi vẫn không thể đứng dậy nổi, cho đến khi người trong cung tìm thấy hắn, dìu hắn chạy trốn.